VĂN CÔNG

30/11/2012

Mình đọc trên báo, thấy nhiều nghệ sĩ nổi tiếng kể về con đường đến nghệ thuật nghe rất mê, mê tít thò lò, rất huyền diệu, rất cao cả, rất thánh thần, rất ma mị, rất ngây ngất. Còn mình, khổ, mình và anh Lập đến với nghệ thuật rất chi là nhà quê.
Mới đây, gặp chị T (NSND) mình nói, em thấy toàn thân thể chị từ hồi chị 20 tuổi cơ. Chị T phì cười, cái thằng, toàn nói phét. Hồi ấy mày bé tí, biết cái gì. Mình kể, em rất ham thích đi xem văn công trung ương vào Quảng Bình diễn. Hồi chiến tranh, nghe tin văn công về diễn là một sự kiện to lớn, lũ trẻ kéo nhau đến ngồi ở bãi, trên cát từ chiều để chờ. Mình cũng thế. Nhưng tới khi văn công bắt đầu diễn thì mình lại không coi diễn mà chạy tọt ra phía sau sân khấu, chạy tới cái chỗ người ta dùng vải che lại để diễn viên thay áo quần, cứ thế trườn bò vào, khoét cát, chui đầu vào trong, trố mắt, há mồm, nhìn các o văn công vào vào ra ra thay áo quần ( Sau này lớn mới hiểu đó là thay phục trang)
Thế đấy, lần nào văn công về vùng cát diễn mình cũng khoét cát coi các o thay áo quần.
Lần nào cũng vậy.
Có một lần nhớ mãi, có một o đang lúi húi thay váy áo gì đó chợt hét lên một tiếng, quỵ chân xuống, hoảng sợ đén mức suýt chết ngất vì tay quờ phải mặt mình, rồi lại cầm phải cái tai mình. Nghe tiếng hét, mấy anh diễn viên chạy vào, lôi cổ mình ra khỏi hố cát cho hai cái bạt tai, đau điếng.
Hai cái bạt tai khủng khiếp đó mãi mãi theo mình vào đời, như là thông điệp lôi kéo mình theo nghệ thuật.
Lại một lần nữa, trong khi nằm im thin thít coi các o thay áo quần, coi say, coi không dám thở, tối đó, chim mình sưng tấy, hóa ra bị kiến lửa nó cắn mà không biết. Khổ thân em trai, vì mãi mê ngắm nghệ thuật mà sưng vù cả chim.
Có hôm mình kéo anh Lập cùng đi coi. Anh Lập nói răng lại ra sau sân khấu, coi cái chi. Mình nói coi cái ni hay lắm. Mình đào hố cát, nói anh Lập chui vào, mình cũng chui vào bên cạnh, coi, coi, coi. Anh Lập nói, to hè, o mô cũng to. Mình gật đầu, to và đep. Anh Lập khẳng định, khi và chỉ khi đi văn công thì mấy thứ trên người mấy o này mới to và đẹp như thế. Tau sẽ đi văn công. Mình giơ cao tay, cho em đi văn công với. Anh Lập nhếch mép, mi ngu như bò, biết cái chi mà văn công. Mình cãi, thế anh biết văn công là cái chi? Anh Lập ưỡn ngực: Văn công là một loại động vật có vú rất đẹp. Mình thích với giải thích này.
Sau này, đến bây giờ, mình mới hiểu, anh Lập cũng nói phét, văn công đúng là động vật có vú nhưng đẹp thì chưa chắc, có đẹp có xấu, có dài có ngắn, có vuông, có bẹt…
Con đường đến với nghệ thuật của mình bắt đầu từ bé tí, khoét cát, coi văn công thay áo quần. Thế thôi.


NGÀY GIỖ BA

26/11/2012

19 âm tháng 9 là ngày giỗ ba tôi. Năm nào đi đâu tôi cũng về, mang bộ ấm chè pha sẵn, chiếc chiếu, lên mộ ba, nằm ngửa bên ấm chè, trên nền mộ, nói chuyện với ba. Tôi kể với ba tôi không sót chuyện gì: công việc, gia đình, bạn bè, cả chuyện tán gái. Chuyện nào ba tôi cũng ưng nghe, như ngày ba tôi còn sống
Ba tôi là một đảng viên.
Một đêm, chừng 3 giờ sáng, tôi nghe có tiếng khóc ngoài vườn. Chạy ra, thấy ba đang ngồi dưới gốc ổi, khóc thút thít, đôi vai gầy rung lên dưới ánh trăng.
-Chuyện chi ba khóc? -Tôi hỏi.
Ba tôi kéo tay tôi lại bên, nói trong tiếng nức nở:
-Nhà mình thành chi bộ rồi con ạ.
Tôi ngơ ngác.
-Anh Lập con vào đảng rồi. Rứa là nhà mình thành chi bộ. Còn con nữa, Vinh ạ…
Tôi đưa ba vào nhà.
Mấy ngày sau anh Lập về. Ba tôi ríu rít, cười nói phấn khởi lắm. Tối, uống trà với nhau, ba tôi vẫn hoan hỉ việc anh Lập vào đảng.
Anh Lập cười he he ( kiểu cười trong Blog bây giờ):
-Vô đảng khó chi ba. Là do thằng cha Văn Lợi ( Lúc đó anh Lập công tác ở phòng xuất bản Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, nhà thơ Văn Lợi làm trưởng phòng) cứ xúi con. Anh ấy nói:” Lập ơi, mi thương tau với, cứu tau với. Mi không giúp tau thì thành tích cả phòng năm nay vứt. Lấy cứt ra tiền thưởng”.
Hóa ra Văn lợi hăng hái đăng ký với Đảng bộ cơ quan chỉ tiêu kết nạp đảng trong năm ở phòng xuất bản là 1. Gần cuối năm, bế tắc quá, túm lấy Lập.” Nhé. Em nhé. Vào Đảng cho anh nhé…”. Bình thường, mỗi lần bình xét thi đua, anh Lập lúc nào cũng bét: đi chậm, về sớm, ăn nói vô tổ chức, hay làm thơ tình, thường xuyên say…Nhưng năm nay, vì thành tích cả phòng,vì tiền thưởng cuối năm, vì chỉ tiêu kết nạp đảng phòng đã đăng ký, tất cả ồn ào tán thành Lập vào đảng. Có người trong cơ quan biết vậy kêu lên:- Thế là quần chúng trong cơ quan sẽ bình yên vì không có Lập nữa.
Ba tôi nghe Lập nói, vẫn cười:- Con vô đảng ba mừng lắm…Trong nhà này, ba sợ nhất là mi với thằng Vinh. Nhà văn cả. Nhưng ăn nói cứ như phản động…Bây chừ con vô đảng, ba yên tâm.
Ba không biết, anh Lập giờ uống vô, ăn nói còn siêu hơn lũ phản động. Thế hệ như ba tôi nghe kiểu nói của tôi và Lập đều giật thót, cho như vậy là phản động. Nhưng vì chúng tôi nói thật thôi. Sau này anh Lập lý luận:” Cứ nói thật thì họ cho rằng mình phản động”. Lũ phản động vì nó phản động nên nói câu gì có vẻ căng căng ngược ngạo là nói dấu diếm như mèo dấu cứt. Còn mình, mình không phản động nên mình nói phơi phơi. Rứa thôi.
Ba gọi anh Lập trìu mến:- Chúc mừng đồng chí Lập
Tôi cự nự:- Thế con không được gọi là đồng chí à?
Anh Lập nheo mắt:- Mi ngoài đảng, gọi là thằng Vinh
Nhà tôi suốt cuộc chiến tranh, bị bom cháy nhà 7 lần. Tài sản duy nhất còn lại tôi nhớ là một cái chum nước. Cái chum nước bị bom đánh vỡ tới cả trăm mảnh. Ba tôi xin xi măng, tẩn mẩn hai ngày ghép lại, hàn lại, vẫn đựng nước được.
Sau hòa bình, các anh chị trong nhà đi xa hết. Anh Lập học đại học ở Hà Nội,. Nhà còn mỗi tôi và ba mạ. Hết chiến tranh, theo phong trào, cả thị trấn làm nhà, thì nhà tôi cũng thế. Tiền không có, tôi đi đào đá, ngày ngày gánh về chất đống. Cả tháng trời như vậy đã tha về được mấy chục khối đá. Số đá chắc, to dùng làm móng. Số đá nhỏ hơn tôi dùng búa đập nhỏ, đúc táplô. Rồi ba tôi vô Sài Gòn, bà dì cho được 1000 đồng ( thời giá năm 1977). Đá móng, táp lô, cộng với số tiền dì cho, thế là đủ xây một căn nhà ngói ba gian.
Ngày đang làm nhà tôi đã đi bộ đội hải quân lục chiến, ở đại đội trinh sát đóng quân ở Căm Pu Chia. Tôi nhận được thư của ba:” Con ơi, nhờ ơn Đảng và Nhà nước, gia đình mình có nhà ngói ở rồi”. Tôi nghĩ lại mấy tháng trời còng lưng gánh đá xây nhà, nhìn vào thư ba, ứa nước mắt.
Đêm đó đơn vị hành quân nghỉ lại giữa rừng. Đói, Mưa ướt lạnh. Không ngủ được. Ngồi ôm cái ba lô trong mưa, trong bóng đêm, trong đói, thấy tủi cực. Nhớ nhà lắm thôi. Lại nhìn thấy cảnh ba lom khom vun cây ổi, nhặt cái lá rơi. Lại nhớ ngày mới chuyển từ nơi sơ tán về, cái mảnh đất ba nhận để làm nhà này là ao ruộng. Tôi và anh Lập gánh đất từ ngoài đồng về để đắp nền nhà. Trưa nắng chang chang, hai anh em gánh đất vào còn ba thì ngồi xổm, quần cộc lồi ra hai bắp đùi gầy tóp, nổi đầy gân xanh. Ba ngồi trước đống đất, đưa từng cục đất lên trên tay và dùng cái dùi cui đập nhỏ ra. Thỉnh thoảng, ba tôi lại kêu lên:- Bom bi này. Trong những cục đất chúng tôi gánh vào, có cả những quả bom bi thời chiến tranh sót lại. Nước mắt tôi chảy ra trên ba lô, lẫn vào cả nước mưa. Định tâm sự với thằng bạn cùng tiểu đội nhưng liếc sang bên cạnh, thấy thằng Bê dùng đèn pin hí húi viết thư cho người yêu. Tôi quờ tay lấy lá thư của nó xem:” Em thương yêu. Giờ này em đã ngủ chưa. Anh nhớ em lắm. Em biết không, giờ này anh và đồng đội đang trên con tàu tuần tiễu rẽ sóng ra khơi…”. Tôi xé toạc lá thư:” Rẽ sóng cục cứt. Nói láo …”. Thằng Bê không giận, lại cười:- Viết thế cho cô em ở nhà tự hào. Mình là lính Hải Quân, trong thư phải viết là rẽ sóng chứ…”
Một hôm, tôi thấy cả buổi chiều ba tôi đi ra đi vô, quét dọn nhà, rửa ấm chén. Tôi chưa kịp hỏi, ba tôi đã nói giọng nghiêm trang:
– Tối nay đồng chí bí thư chi bộ xóm đến nhà chơi.
Tôi im lặng.
Trước ngày ba tôi mất, ba tôi nói với mạ tôi:- Tui còn ăn nợ ở quán cháo mệ Mạnh gần 500 đồng. Mệ trả cho tui nghe.
Mạ tôi cười:- Thì khi mô nhận lương hưu, ông trả.
Ba tôi im lặng.
Sáng hôm sau, như thói quen mỗi khi tôi về nhà, ba tôi đun nước, pha trà, thức tôi dậy cùng uống trà.
Ba tôi hỏi có viết vở kịch nào mới không.
Tôi đọc vài cảnh của kịch bản…
Ba tôi gật gù. Rồi ba kêu muốn đi toalet.
Ba bước ra vườn. Mấy phút tôi chột dạ chạy ra theo thì thấy ba tôi đang ngả quỵ xuống. Người ta gọi đó là dấu hiệu ” hạ thổ”.
Chiều hôm đó ( 19.9 âm lịch) ba tôi mất.


CÁT

13/11/2012

Những hạt cát quê tôi như những khối thạch anh nhỏ xíu, ba cạnh, bốn cạnh, năm bảy cạnh và trắng lắm, trắng tựa gì nhỉ, như mạ tôi hay ví von, trắng như nước mắt. Hạt cát sắc cạnh ấy nhỡ vào mắt có thể làm sây sát, sưng tấy, đỏ hoe. Vài hạt cát thô ráp, nhọn sắc kia có thể làm trầy da, làm tổn thương thân thể. Nhưng khi cả triệu triệu hạt cát bên nhau, thành lớp, thành mái cát, thành động cát, thành doi cát, ta đặt bàn chân lên thấy êm ru, thấy mát tươi, thấy mềm như lụa. Ơ. Hóa ra những nỗi đau, những tổn thương, những số phận sắc nhọn nếu đứng một mình đôi khi gục ngã, đôi khi bị loại bỏ, đôi khi bị oan nghiệt, nhưng đứng hết bên nhau, lớp lớp bên nhau, như ngàn vạn cái cực, cái khổ, cả làng, cả thôn, cả xã dân tôi bên nhau, cái khổ xếp bên nhau, cứ thế, thì hình như không còn cái khổ nữa mà nỗi đau mềm lại, sự cực nhọc mềm lại, thân phận thua thiệt mềm lại, mềm hết lại như mái cát, để rồi làng trên xóm dưới, ùa òa tiếng cười, đạp trên nỗi cực khổ mà cười, mà nương tựa nhau như những hạt cát, thành sức mạnh, thành chí hướng, thành bờ lũy, chống lại cái cực, chống lại thân phận nghèo khó, chống lại những thua thiệt, cả ngàn ngàn con người quánh lại với nhau như thế, như cát thế, còn sợ chi bom đạn, sợ chi giông bão, sợ chi tai ương. Ba tôi, mạ tôi, dì tôi, cậu tôi, anh tôi… bà con làng xóm của tôi và cả tôi- những hạt cát NGƯỜI bên những hạt cát NGƯỜI, qua ngày, qua năm, tầng tầng lớp lớp trường tồn mãi như những động cát kia kìa. SỐNG.

Trên cát là phi lao. Những cây phi lao trên cát quê tôi là những cây lạ. Thân cây mọc không cao, cũng không thẳng. Gió bão chà đi xát lại, nắng nóng nung chín cả vỏ cây. Có lẽ thế, những thân cây phi lao như lưng những cụ già, da dẻ sần sùi, thân cuồn cuộn thành từng khúc, từng đụn, nhìn gân guốc, nhìn vừa thấy thương vừa thấy kính phục cái sức chịu đựng bền bỉ, gan góc, chai lỳ trước sự khắc nghiệt tột đỉnh của môi trường và khí hậu. Có những gốc phi lao chỉ còn sót lại mấy chỏm lá xanh, còn nữa là thân cành, còng queo, đầy thương tích qua nhiều lần gãy đổ, nhưng rễ cây thì choãi ra, vươn dài, bám sâu trong cát. Có những gốc phi lao chồng chất mấy gốc phi lao liền, cây này trồng nối cây kia, nhiều thế hệ cây cùng chung một gốc, đó là dấu vết của bàn tay con người trồng phi lao chắn cát, trồng đi trồng lại, cây này chết trồng cây khác, những cây tưởng chết lại cố sống, thành ra mới xuất hiện nhiều gốc phi lao mọc chen nhau ở một nơi. Những thân cây phi lao già bao giờ cũng lấm lem cát. Những hạt cát bay tới chen vào lấp đầy những vỏ cây sần sùi, khô cháy. Có những gốc cây già quá thì chết. Người làng đào những gốc cây ấy về làm củi đun. Có những buổi trưa, thời bé, tôi đi học về gọi mạ không thấy. Chạy ra sau cát. Từ xa, đã thấy tấm lưng cong gập của mạ với cái cuốc chim mòn vẹt trong tay, mạ hì hục đào những gốc cây phi lao chết về làm củi. Mạ gầy gò, da dẻ sần sùi như vỏ cây phi lao già, hai bàn tay chai sần, run run nâng cán cuốc bổ mạnh xuống thân cây. Mỗi lần thế, những giọt mồ hôi của mạ rơi xuống theo, tan khô trên cát.

Con gái con trai làng cát lớn lên, yêu, những nụ hôn đầu đời vương những hạt cát trên bờ môi, những hạt cát làm chứng những cuộc tình. Yêu thương nhau, cát là chăn đệm, là giường chiếu, là cả không gian êm như nhung lụa. Giận hờn nhau, cát là chỗ để chôn chân, để giẫy đạp, để gục mặt vào đấy mà khóc, mà kể lể, nước mắt xuống cát thấm thật nhanh, ráo hoảnh. Cát che chắn sự hờn giận, vo lại những câu giận dỗi, để rồi, mở ra một sự bao dung bát ngát giữa người với người. Phải chăng vì thế, người quê cát của tôi nói năng thô mộc, to tát, thẳng băng, giận nói giận, thương nói thương, thương thì trường tồn, thủy chung như cát, giận thì bị gió thôi qua đi, cho qua mọi sự vướng bận, lại yêu thương, quấn quýt nhau như cát với cát.

Cát trắng quá nên cánh đồng không xanh nỗi. Quê tôi vật vã theo từng bữa ăn. Không đủ gạo thì rau cháo, khoai sắn. Nhưng để nuốt được rau cháo khoai sắn hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, suốt đời phải có cách gì chứ. Cát mở đường cho người nghèo quê cát bằng những thẻo đất cát ẩm trồng ớt. Mùa hè, cát trắng, ớt đỏ, những khoảnh đỏ đan nhau dọc chân những triền cát, như những tấm thảm nhung, nhìn mê mẩn. Bữa ăn kèm ớt, cái vị cay làm người làng quên đi cái thiếu. Một quả ớt, một nhúm muối, có thể nuốt được mấy bát khoai, mấy củ sắn, một bát canh rau. Đời này truyền đời kia, thiếu ăn thì phải ăn ớt để bù cái ngon. Lâu thành quen. Nay trong bữa ăn của làng, không có ớt là không thành hương, thành vị. Âu đó cũng là sự bù đắp của cát.

Cát trắng, gió lào, bão lũ, chiến tranh, sự khắc nghiệt ấy mài dũa cho người làng cát tôi ý chí sống, niềm tin sống. Đến như con trai làng cát đã yêu là yêu đến chết, yêu tận cùng, có đuổi, có đánh, có xô, có đạp cũng lao vào yêu, không bỏ, không quay lưng, không chịu thua. Đến như đói thì chịu nhịn một bữa, hai bữa, ba bữa, để tìm cho ra cái ăn, dù phải đào phải húc, phải cào phải cấu, phải giành phải giật cũng không chịu buông tay đầu hàng số phận. Đến như sự học, dù ăn khoai, ăn cháo, dù nhịn mặc, nhịn ăn, đã học là học tới cùng, học không thua ai, học cho tới khi thành danh thành phận, học cho tới ngày về lại làng, đàng hoàng mà bước trên cát, đàng hoàng mà đứng trên cát, đàng hoàng mà chết trên cát, đàng hoàng suốt cuộc đời.

Tôi vẫn thường ra mộ ba mẹ tôi thắp hương, bất kể ngày rằm, bất kể ngày giỗ, ngày lễ, ngày tết, hễ thấy nhớ ba nhớ mẹ là tôi chạy ra động cát, mang theo cả ấm trà, cả manh chiếu, rồi thắp hương, rồi trải chiếu, pha trà, ngồi nói chuyện huyên thuyên trên trời dưới biển với ngôi mộ ba mẹ. Và tôi nhìn thấy hình như dưới những ngôi mộ này còn là ngôi mộ khác, dưới những ngôi mộ khác còn là lớp lớp những ngôi mộ khác nữa. Động cát chất chứa bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu thân xác, bao nhiêu hồn vía nhiều đời của người làng tôi. Và trên cát, lại lớp lớp thế hệ khác, như những mầm sống, như chồi cây xương rồng, tiếp tục vươn lên, tiếp tục đâm chồi và sống.

Sau những cơn mưa, cát phẳng lỳ, in rất rõ những dấu chân bé thơ chạy trên mặt cát, in rất rõ những dấu chân bước loạng choạng, run run của người già trên mặt cát, in rất rõ cả những bàn tay yêu chập vào nhau trên mặt cát, in rất rõ cả những dấu chân con nhông chạy kiếm ăn trên cát. Sau đó là nở xòe những thân nấm cát, trắng muốt. Sau đó là những tiếng gió thổi vu vơ, thổi nhẹ mát trên những gợn sóng cát đã đẫm nước. Và hình như có một đôi dấu chân con gái con trai, in đậm, xê dịch, lúng túng, hồ hởi, vồ vập nhau sau một gốc cây phi lao già.

Ngày ba mạ tôi mất, huyệt cát chôn ba mẹ bên chân tôi, cảm giác người sống và người ra đi sao gần quá, gần tới mức hình như cái chết không tồn tại ở miền cát này, chỉ có sự sống nối sự sống, sự sống trên cuộc đời vẫn liên kết, nối mãi với sự sống dưới cát kia, khăng khít, thương yêu, mãi mãi trường tồn như vậy. Vì thế, ở làng cát quê tôi, cái chết là cách đã đến lúc người ta đi vào cát thôi, đi sâu vào cát thôi, thế thôi, chứ không phải chết.

Tôi tin như thế.